GS.VS TRẦN HUY LIỆU

GS.VS Trần Huy Liệu

GS Trần Huy Liệu (1901-1969) quê Nam Định, là nhà cách mạng, nhà sử học đầu ngành ở Việt Nam.

Ông sớm tham gia hoạt động yêu nước, chống Pháp. Tháng 3-1945, ông tham gia cuộc nổi dậy phá nhà giam ở Nghĩa Lộ, vượt ngục về Hà Nội, bí mật làm báo Cứu quốc, gấp rút tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Tháng 8-1945, ông dự Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào và được bầu làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc Giải phóng. Ông là người thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và là người đại diện Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào Huế nhận ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại.

Trần Huy Liệu gắn bó với sử học cùng với lúc ông bước vào con đường hoạt động chính trị, vì ông đã tìm thấy trong sử học sức mạnh thức tỉnh và sự cổ vũ cho sự nghiệp cứu nước. Nếu như trước cách mạng, ông đã lập Cường Học thư xã (1927), một nhà xuất bản chuyên in và phát hành những cuốn sách giới thiệu các danh nhân lịch sử, thức tỉnh lòng yêu nước của đồng bào thì sau khi cách mạng thành công, ông trở thành người gây dựng nền móng và là trụ cột cho một nền sử học mới. Ông được giao thành lập và chỉ đạo Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa (1953), rồi kiêm Phó ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Viện trưởng Viện Sử học, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Trước khi thành lập Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa 1 năm, trong văn bản đề nghị Trung ương Đảng cho thành lập ban này, Trần Huy Liệu đã nhấn mạnh: “Muốn dựng nước và giữ nước thành công, mỗi người dân Việt Nam phải có được lòng tự tôn dân tộc, kết hợp với lòng yêu nhân loại. Muốn có lòng tự tôn dân tộc thìtrước hết phải hiểu được sự sáng tạo của dân tộc ta, của nhân dân lao động trong chiến đấu và sản xuất trải qua bao nhiêu đời nay... Học tập lịch sử dân tộc, địa lý của dân tộc, văn học của dân tộcchính là vũ khí để phát huy những tinh thần ấy”. Những tư tưởng ấy đã trở thành định hướng phát triển không chỉ của ba bộ môn Văn - Sử - Địa mà còn đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành tổ chức khoa học xã hội nhân văn của đất nước. Sau này, Trần Huy Liệu còn là Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Chủ tịch sáng lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ông không chỉ là người tập hợp và đào tạo đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu lịch sử mà còn là tác giả của 290 công trình nghiên cứu và các bản hồi ký là một di sản đồ sộ, ông đã có những cống hiến xuất sắc cho nền sử học đất nước, trong đó cuốn sách "Lịch sử 80 năm chống Pháp" đã đem lại vinh quang cho ông, tác phẩm được đưa vào làm sách giáo khoa trong các trường Đại học.

Trần Huy Liệu được bầu làm Viện sĩ Thông tấn do Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa dân chủ Đức và được nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức tặng thưởng Huân chương khoa học Humboldt. Năm 1996, các công trình về Lịch sử của Trần Huy Liệu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Tên của ông đặt cho một con đường ở khu vực phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội và một số con đường tại Nam Định, Sơn La, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Sau này con trai ông là nhà văn Trần Trường Chiến đã viết về ông trong tác phẩm "Trần Huy Liệu - Cõi người".

HÌNH ẢNH NHÀ KHOA HỌC

Bản Quân lệnh số 1 do GS Trần Huy Liệu khởi thảo. 

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia 

GS Trần Huy Liệu tháng 9-1945, khi ông về đến Hà Nội sau khi vào Huế chấp nhận thoái vị của Bảo Đại.

Nguồn: Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb. KHXH 2020 

Vua Bảo Đại (trái) trao ấn, kiếm cho GS Trần Huy Liệu - đại diện Chính phủ cách mạng,  chiều 30-8-1945. 

Nguồn: Lưu trữ quốc gia Pháp.

Bức điện của phái đoàn Chính phủ gửi Chính phủ Lâm thời thông báo về thời gian ấn kiếm của vua Bảo Đại ra đến Hà Nội.

Nguồn: Cục Văn thư, lưu trữ Trung ương 

TƯ LIỆU VIDEO