GS NGUYỄN VĂN HUYÊN

GS NGUYỄN VĂN HUYÊN

GS Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) nguyên quán tại xã Kim Chung, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội). Ông là nhà sử học, nhà dân tộc học, đặt nền móng cho nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt Nam. Năm 1934, ông đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại Đại học Sorborn, Paris với luận án chính “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” và luận án phụ “Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á”. Đây được coi là một sự kiện lớn lao trong lịch sử Sorborn, bởi ngay sau đó luận án của ông đã được xuất bản thành sách và được nhiều học giả hoan nghênh. Trong vòng 10 năm (1934-1944) ông đã công bố 46 công trình hầu hết bằng tiếng Pháp, giới thiệu về các phong tục, tín ngưỡng, văn hóa dân gian của các dân tộc ở Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, GS Nguyễn Văn Huyên tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. Ông đã tham gia hai hội nghị lịch sử có quan hệ đến vận mệnh đất nước: Hội nghị Đà Lạt và hội nghị Fontainebleau. Trong gần 30 năm là người phụ trách tối cao ngành giáo dục, ông đã ổn định và xây dựng phát triển nền giáo dục nước nhà với nhiều biện pháp như sử dụng trí thức, nhân tài; xây dựng, định hình nền giáo dục Việt Nam, nhất là nền giáo dục trong kháng chiến; nâng cao dân trí, xóa nạn mù chữ, phát triển bình dân học vụ, bổ túc văn hóa; xây dựng nền giáo dục đại học, thiết lập hệ thống giáo dục miền núi, các trường trung học chuyên nghiệp…

GS Nguyễn Văn Huyên được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về khoa học xã hội và nhân văn, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Tên ông được đặt cho một phố chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học Việt NamHà Nội. Ngoài ra, tên của ông còn được đặt tên cho một trường Trung học cơ sở ở quê hương ông (huyện Hoài Đức - Hà Nội) trên địa bàn xã Sơn Đồng và một trường Trung học phổ thông ở tỉnh Tuyên Quang. Gia đình ông cũng đã thành lập Trường Nguyễn Văn Huyênquận Đống Đa, Hà Nội. Từ năm 2015, Quỹ Nguyễn Văn Huyên được trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn trao cho sinh viên nhân học xuất sắc.

Với việc lưu giữ di sản của GS Nguyễn Văn Huyên khá đầy đủ và phong phú, gia đình ông đã lập Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và hoạt động từ năm 2014. Tại Bảo tàng có thể triển khai nhiều hoạt động giáo dục thông qua việc tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp, gia đình của GS Nguyễn Văn Huyên như phát triển niềm đam mê nghiên cứu khoa học, xây dựng tình cảm gia đình, vai trò và trách nhiệm trí thức trước vận mệnh lịch sử đất nước, nâng cao tri thức về lịch sử đất nước.

HÌNH ẢNH NHÀ KHOA HỌC

Chân dung của GS Nguyễn Văn Huyên khi là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục 

Nguồn: Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Đoàn tham gia hội nghị Fontainebleau, năm 1946

Nguồn: Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Quang cảnh hội nghị Fontainebleau, năm 1946.

Nguồn: Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Quang cảnh một trường học thời chiến 

Nguồn: Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Học sinh đắp lũy quanh trường học thời chiến 

Nguồn: Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

TƯ LIỆU VIDEO